Đó là giải thưởng tập thể của ba học sinh Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Võ Thị Ngọc Lan (lớp 5 Trường Tiểu học Bình Mỹ, ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) và thầy Trương Thanh Trí.
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng nên “áo phao cứu sinh”, em Nguyễn Thị Quỳnh Trâm cho biết:
"Em được sinh ra và lớn lên ở vùng quê sông nước Cần Giờ. Khi đến trường, em và các bạn ở xa đi học phải di chuyển bằng ghe xuồng. Tuy nhiên cuộc sống gia đình còn khó khăn nên khó trang bị được chiếc áo phao cứu sinh để đề phòng khi tai nạn xảy ra. Từ đó chúng em đã có ý tưởng thiết kế những chiếc áo phao để tặng cho các bạn”.
"Em cảm thấy hạnh phúc và sẽ tiếp tục cùng với các bạn sáng tạo ra nhiều vật dụng có ý nghĩa" - em Nguyễn Thị Quỳnh Trâm chia sẻ. Ảnh: ĐÀO TRANG
Theo em Quỳnh Trâm, nhóm phát hiện ra ý tưởng trong lúc chơi trò “thả mơ ước” bằng chai nước trên dòng nước - thấy chai nước luôn nổi khi cho xuống nước, nhóm liền nảy ra ý tưởng sẽ dùng những chai nước phế liệu để chế tạo áo phao, giúp các bạn nổi lên khi xuống nước.
Để hoàn thiện công trình này, nhóm học sinh đã tìm đến sự hỗ trợ của thầy giáo Phan Thanh Trí (Trường Tiểu học Bình Mỹ, ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ). Từ những chai nhựa Pet bỏ đi rồi kết lại bằng những dây nhựa, móc khóa, các em học sinh tiểu học đã sáng tạo ra một cái áo phao hết sức đặc biệt này.
“Để thực hiện sản phẩm này, chúng em đã sử dụng năm chai nhựa (mỗi chai dung lượng 1,5 lít) kết dính lại với nhau bằng dây bẹ. Sau đó dùng dây cước cố định dây bẹ vào chai để chai không tuột khỏi dây khi sử dụng, ngoài ra còn dùng thêm keo để kết dính chai với dây lại. Các em còn gắn các móc khóa an toàn, giúp người sử dụng dễ dàng tùy chỉnh kích thước cho phù hợp” - Quỳnh Trâm chia sẻ.
Để tạo ra những chiếc áo phao đặc biệt này, các thành viên trong nhóm đã đến các cửa hàng tạp hóa xung quanh trường để xin vỏ chai, còn dây bẹ, keo được thầy cô trong trường ủng hộ, các móc khóa cũng được các em tận dụng từ những chiếc áo phao hư.
Dưới sự giúp đỡ của các thầy cô trong trường, chỉ chưa đầy một ngày các thành viên nhóm đã thực hiện được ý tưởng của mình. Và chiếc áo phao đã nhanh chóng được thầy Trương Thanh Trí thử nghiệm đầu tiên.
Theo thầy Trí, chiếc áo phao khi xuống nước không chỉ giúp người sử dụng nổi trên mặt nước mà còn thoải mái khi sử dụng. Đây thực sự là sản phẩm tốt cho các bạn học sinh, từ đó giúp các em học sinh được an toàn khi di chuyển qua vùng sông nước và tránh được những tai nạn bất ngờ xảy ra khi đến trường. Bên cạnh đó, chiếc áo phao cứu sinh được làm từ những chai nhựa còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, khuyến khích các em học sinh tận dụng những sản phẩm tái chế vào cuộc sống”.
Em Quỳnh Trâm cho biết: “Hiện tại, nhóm chúng em đã thiết kế thêm nhiều chiếc áo phao từ chai nhựa tái chế để tặng cho các bạn học sinh có nhu cầu sử dụng trong trường. Thời gian tới, chúng em sẽ hướng dẫn cách làm áo phao cứu sinh, đồng thời giới thiệu đến các trường trên địa bàn huyện Cần Giờ và cả nước để nhiều bạn học sinh có thể tự làm cho mình một chiếc áo phao.
Từ sự sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống, nhóm tác giả “áo phao cứu sinh” của học sinh Trường Tiểu học Bình Mỹ, huyện Cần Giờ đã được trao giải nhất cuộc thi Sáng kiến cộng đồng do Sở KH&CN và Tạp chí Khám Phá tổ chức trao giải ngày 25-12.
Qua sáu tháng triển khai, ban tổ chức cuộc thi Sáng kiến cộng đồng đã nhận được 83 bài dự thi, với sự tham gia của 19 cơ quan truyền thông, báo chí đóng góp tin, bài tích cực như báo Pháp Luật TP.HCM, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động...
Dưới đây là một số giải thưởng cho các sáng kiến cộng đồng và nhóm giải cho các cơ quan báo chí:
Bà Lương Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Khám Phá, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, lên tổng kết cuộc thi. Ảnh: ĐÀO TRANG
Giải nhất cuộc thi thuộc về nhóm sáng chế áo phao từ chai nhựa của học sinh Cần Giờ. Ảnh: ĐÀO TRANG
Giải nhì nhóm sáng kiến cộng đồng. Ảnh: ĐÀO TRANG
Giải ba nhóm sáng kiến cộng đồng. Ảnh: ĐÀO TRANG
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, đánh giá cao những cá nhân, tổ chức có những sáng kiến, sản phẩm sáng tạo phục vụ đời sống xã hội. Ảnh: ĐÀO TRANG
Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ đoạt giải nhất nhóm giải cho các cơ quan báo chí. Ảnh: ĐÀO TRANG
Báo Pháp Luật TP.HCM đoạt giải nhì nhóm giải cho các cơ quan báo chí. Ảnh: ĐÀO TRANG
Báo Sài Gòn Giải Phóng đoạt giải ba nhóm giải cho các cơ quan báo chí. Ảnh: ĐÀO TRANG
Chia sẻ tại lễ trao giải, bà Lương Thị Bích Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Khám Phá, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, khẳng định:
"Ban tổ chức cuộc thi thực sự trân trọng và cảm ơn các cá nhân, tổ chức và cộng đồng vì sự đồng hành, tham gia tích cực trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, cuộc thi đã và đang lan tỏa sức ảnh hưởng trong xã hội nhờ sự ủng hộ của rất nhiều cơ quan báo chí, truyền thông, góp phần đưa các ý tưởng lan rộng, đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng. Cuộc thi đã thực sự tôn vinh sáng tạo của mỗi công dân, khích lệ chúng ta cùng chung tay xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình".
- Đề xuất xây 3 trạm dừng trên cao tốc dài nhất miền Tây (07.12.2022)
- Khan hiếm vé máy bay dịp Tết (07.12.2022)
- Ba nhà thầu cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ bị nhắc nhở tiến độ (07.12.2022)
- Đề xuất dừng bán vé vào công viên Thống Nhất (07.12.2022)
- Khó tuyển công nhân bị cắt giảm (07.12.2022)
- Đường huyết mạch ở TP HCM ùn tắc vì sửa cầu (07.12.2022)
- Ông Võ Văn Thưởng: Cần có sức ép để cán bộ từ chức khi sai phạm (07.12.2022)
- Nhà thầu để 'lô cốt' gây kẹt xe kéo dài bị dừng thi công (07.12.2022)
- HĐND TP HCM xem xét dừng 17 dự án (07.12.2022)
- Từ vỏ chai nhựa đến những chiếc đèn chùm sang trọng (07.08.2018)